Rằm Trung Thu là ngày nào?

Bạn đã đón bao nhiêu mùa Tết Trung thu rồi? Bạn muốn khám phá thêm những điều thú vị về Tết Trung thu không? Hãy cùng Rượu SG dạo quanh câu chuyện về Tết Trung thu ngay sau đây nhé.

Nguồn gốc của Tết Trung thu

Tết Trung thu có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Tết hoa đăng, Tết trông trăng, Tết Đoàn Viên. Nhưng có lẽ, cái tên “Tết Trung thu” là tên thân thuộc nhất với các thế hệ người Việt Nam. Đúng như tên gọi, trung thu là giữa mùa thu, một mùa thể hiện ở các quốc gia có thời tiết 4 mùa trong năm. Vì nó diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, một ngày giữa mùa thu nên tên gọi này đã đi vào đời sống của người Việt.

Chúng ta chỉ biết Tết trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc qua một số ít chi tiết trong sử sách còn để lại. Có thể nó đã được Việt hóa khá nhiều để phù hợp với nếp sống người Việt. Ngoài ra, những nước có cộng đồng người Trung Quốc, hay các quốc gia Châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…cũng có lễ hội ngày Trung thu độc đáo riêng.

Vào ngày này, mặt trăng tròn vành vạnh, sáng trong trên bầu trời. Nếu được ngắm trăng tại những vùng xa thành phố, không có ánh đèn điện, chúng ta càng cảm thấy mặt trăng sáng đẹp lung linh hơn. Ở Việt Nam, 15/8 âm lịch tương ứng với khoảng thời gian đầu tháng 9 đến giữa tháng 10 dương lịch, vẫn còn là mùa mưa, nên đôi khi, đêm rằm có những trận mưa nhỏ. Ai cũng mong ngày này, thời tiết thật đẹp và khô ráo, để mọi người được vui chơi thỏa thích.

Sự tích Cây đa Chú Cuội

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có một câu chuyện liên quan đến mặt trăng rất cảm động và thường được kể hay diễn kịch vào ngày Tết Trung thu. Đó là sự tích cây đa chú Cuội. Câu chuyện này giải thích tại sao vào các ngày trăng tròn, khi nhìn lên mặt trăng, chúng ta thấy một hình ảnh tối tối, tựa như hình một cái cây to. Dân gian cho rằng đó là cây đa của chú Cuội, đã bật gốc bay lên cung trăng, đem theo cả chú Cuội.

Câu chuyện có thể tóm tắt lại như sau: Cuội là một thanh niên mồ côi làm nghề đốn củi. Một hôm, chàng vô tình thấy được 1 phương thuốc cải tử hoàn sinh từ lá cây nọ trong rừng và đã đem về nhà trồng để cứu người khi cần. Lần kia, chàng đã dùng lá thần để cứu con gái lão phú hộ trong vùng và được lão gả con gái cho. Cuội cũng từng cứu sống 1 con chó và nó rất trung thành với Cuội. Nên khi vợ Cuội bị lũ cướp giết chết đến nỗi không thể cứu được bằng lá thần, chú chó kia đã hiến bộ ruột để cứu chủ. Nhờ bộ ruột chó mà cô vợ đã được sống lại và chú chó cũng được sống lại nhờ bộ ruột làm từ đất sét. Nhưng từ đó, vợ Cuội trở nên đãng trí, không nhớ lời chồng dặn, mà quan trọng nhất là quên béng việc không được tiểu tiện vào cây lá thần. Bởi vì hành động vô ý ấy, cây bật gốc bay lên trời, vừa lúc Cuội đi làm về, Cuội chỉ kịp phóng cái rìu vào thân cây hòng níu lại, nhưng đã không kịp, cả Cuội và cây đều bay lên tới cung trăng. Từ đó trở đi, Cuội sống một mình trên cung trăng cùng với cây quý.

Sự tích Hằng Nga

Câu chuyện này khác với câu chuyện trên hoàn toàn, là một điển tích của Trung Quốc. Trẻ em rất thích nhân vật Hằng Nga, vì trong cách kể chuyện hay các vở kịch, Hằng Nga luôn là một hình tượng rất đẹp, tựa như tiên nữ.

Hằng Nga vốn là người trần, là vợ của Hậu Nghệ, một chàng trai khỏe mạnh, gan dạ. Chàng đã bắn hạ được 9 mặt trời nóng như lò thiêu để cho thế gian không bị thiêu đốt, khô cằn. Chàng có nhiều học trò đến để tầm sư học đạo. Nhưng trong đó, có một học trò dã tâm tên Bồng Mông. Tên này đã lẻn vào phòng riêng của vợ chồng Hậu Nghệ – Hằng Nga để đánh cắp thuốc trường sinh bất tử mà Vương Mẫu nương nương ban cho Hậu Nghệ. Trong lúc hốt hoảng, sợ hãi vì không có Hậu Nghệ bên cạnh, bị tên Bồng Mông uy hiếp, Hằng Nga đã vội uống thuốc thần, thân thể nàng trở nên nhẹ như mây khói rồi bay lên không trung. Nhưng nàng vẫn còn nhớ về người chồng, nên chỉ bay tới cung trăng và ở lại đó thành tiên. Hậu Nghệ về tới phủ, xót thương vợ, ngẩng đầu lên trời than khóc. Chàng thấy đêm đó sao trăng sáng lạ thường, lại thấy dáng ai trong trăng giống người vợ yêu dấu của mình. Chàng liền sai gia nhân làm các món yêu thích của Hằng Nga để nàng biết nơi trần gian, có người cũng rất nhớ nàng. Từ đó, tục cúng trăng với mong muốn được Hằng Nga ban phát may mắn và bình an được mọi người truyền khắp nơi.

Mọi người làm gì vào đêm Trung thu?

Ở Việt Nam, Tết Trung thu là một lễ hội có sự tham gia của cả trẻ em lẫn người lớn. Nhưng dường như, trẻ em là nhân vật được quan tâm hơn cả.

Rước đèn Trung thu

Ngày xưa, đèn Trung thu được làm từ giấy bóng kính đủ màu, thường là màu đỏ, dán trên khung bằng tre. Đèn có thể bắt chước đủ mọi hình dáng, nhiều nhất là hình ngôi sao năm cánh. Vì kinh tế khó khăn, những gia đình không đủ điều kiện mua sẽ tự làm đèn Trung thu cho con cháu trong nhà chơi. Nhờ vậy mà đêm rằm thêm ý nghĩa. Người ta thường đốt nến, cắm vào giữa đèn để tạo độ sáng.

Trẻ con trong khu xóm ai cũng có một cái đèn, xếp thành hàng dài, nối đuôi nhau đi vòng quanh, vừa đi vừa hát các bài hát Trung thu.

Ngày nay, lồng đèn giấy đã bị lồng đèn điện thay thế, sáng hơn, bắt mắt hơn, bền hơn. Nghề làm lồng đèn giấy cũng bị thu hẹp lại. Nhưng lồng đèn giấy vẫn có sức sống riêng, vẫn được rất nhiều người yêu thích và sử dụng vào Tết trung thu.

Múa lân

Tiếng trống múa lân là âm thanh báo hiệu ngày Tết trung thu mà không thể lẫn đâu được. Từ đêm 13 hay 14 trước rằm, các đoàn múa lân lớn nhỏ đã dạo quanh tất cả các phố phường. Chuyên nghiệp có, nghiệp dư cũng có, mỗi đoàn tạo một không khí náo nhiệt và sôi động cho một góc phố. Ông địa cười toe toét, ve vẩy chiếc quạt, chọc đám con nít đứng xem múa lân rồi lại tung tăng chạy theo nhịp trống. Đây là hoạt động rất thu hút sự chú ý của mọi người và thực sự không thể thiếu vào ngày Tết này.

Tiệc thân mật

Dịp Tết này không phải quá quan trọng và người lao động cũng không được nghỉ làm việc. Thế nhưng, mọi người thường tận dụng cơ hội này để quây quần, ăn uống thân mật với nhau. Đó cũng là một hình ảnh khác trong tiềm thức của mọi người về Tết trung thu, gọi là Tết Đoàn viên. Có lẽ cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi rất nhiều cách mọi người cùng nhau đón trăng rằm. Có thể thiếu đi một số món ăn đặc trưng, thiếu đi các loại bánh truyền thống.

Bánh trung thu

Còn đến hơn một tháng mới tới rằm tháng 8, nhưng khắp các con đường, người ta đã bày biện rất nhiều quầy hàng với đèn điện sáng trưng để bán bánh Trung thu.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, những thương hiệu bánh nổi tiếng và uy tín luôn được khách hàng lựa chọn để mua bánh. Mặc dù giá hơi cao so với mặt bằng chung, nhưng độ ngon thì không phải bàn cãi, mẫu mã hộp sang trọng, luôn có sẵn hàng, nên các thương hiệu nổi tiếng rất đắt hàng vào dịp này. Ai thích mua bánh Givral, Brodard, Kinh Đô, Như Lan, Hỷ Lâm Môn sẽ dễ mua nhất vì có mặt ở tất cả các cửa hàng trong thành phố. Các thương hiệu nhỏ hơn sẽ nhắm đến các chi tiết sáng tạo để có bản sắc riêng. Ví dụ bánh trung thu của Maison có kèm nước uống Collagen, bánh của The Bloom được đựng trong giỏ đan thủ công, kèm rượu, nhãn khô, trà Shan Tuyết.

Bánh trung thu được tiêu thụ nhiều nhất qua hình thức mua để tặng. Đây là ngành kinh doanh rất ăn nên làm ra, khi mà các công ty, doanh nghiệp đua nhau mua bánh tặng cho đối tác, nhân viên với giá cả dao động từ khoảng 300.000-800.000/hộp. Những loại bánh cao cấp có giá hơn 1 triệu đồng mỗi hộp nhưng vẫn sớm hết hàng trước rằm.

Có thể mua rượu tặng kèm bánh Trung thu được không?

Bạn hoàn toàn có thể tặng bánh Trung thu kèm theo rượu nhé. Ở đây, rượu hay được chọn mua là rượu vang hoặc sang hơn sẽ tặng các chai rượu mạnh cao cấp.

Rượu SG nắm bắt được nhu cầu mùa Tết Trung thu nên luôn sẵn sàng phục vụ số lượng lớn. Chúng tôi sẽ đáp ứng mọi nhu cầu lớn nhỏ của quý khách thông qua tổng đài điện thoại, giỏ hàng trực tuyến. Nếu chưa rõ về loại rượu cần mua, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Rượu SG để có món quà ưng ý nhất dành cho đối tác của mình nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *