Cách làm bánh trung thu đơn giản nhất cho bạn

Bánh Trung thu quả thật là 1 loại bánh rất đặc biệt. Mỗi năm chúng ta chỉ được thưởng thức 1 lần duy nhất vào dịp rằm tháng tám. Đây là một loại bánh truyền thống mà vẫn còn sức hút rất lớn trong thời buổi 4.0 hiện nay. Cách làm bánh không hề đơn giản. Nhưng hôm nay, Rượu SG sẽ mách bạn cách làm đơn giản nhất. Bạn có ý định thử sức mình không?

Bánh Trung thu có nguồn gốc từ đâu?

Các loại bánh trung thu nhân khác nhau

Có thể chúng ta ít nhiều đều có chung ý nghĩ rằng bánh trung thu là của Trung Quốc. Bạn đã nghĩ đúng rồi đấy. Những chiếc bánh này xuất hiện ở Việt Nam do quá trình ảnh hưởng văn hóa khi Trung Quốc đô hộ nước ta một thời gian dài. Và những chiếc bánh này vẫn còn hiện diện đến tận ngày nay và trở thành món bánh đặc trưng cho những ngày trăng rằm. Cùng với lồng đèn, múa lân, bánh trung thu tạo nên một cái Tết tươi vui cho mọi người.

Tương truyền rằng vào cuối thời Nguyên của Trung Quốc, có hai vị lãnh tụ là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn. Hai người này đứng đầu trong phong trào nhân dân khởi nghĩa của Trung Quốc, đã lãnh đạo nhân dân chống lại bè lũ thống trị tàn bạo.

Khởi nghĩa ắt có những khó khăn. Và để truyền đạt tin tức bí mật trong giai đoạn này, người ta đã nhanh trí làm những chiếc bánh hình tròn, bên trong có nhét tờ giấy ghi thông tin về  khởi nghĩa. Trong tờ giấy ghi rằng: “Vào lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng 8 âm lịch, chúng ta sẽ tấn công.”

Sau đó, những chiếc bánh hình tròn này được người ta truyền đi cho nhau như những món quà và trở thành một phương tiện liên lạc hiệu quả và bí mật. Cũng từ chiếc bánh mà tin tức khởi nghĩa đã được lan truyền đi khắp nơi. Sau này, người Trung Quốc lấy việc làm những chiếc bánh tròn, vuông vào ngày Rằm tháng 8 để kỷ niệm sự kiện hào hùng ngày ấy. Dù ngày nay, ít ai còn biết nó từ đâu mà có, nhưng chắc chắn rằng bánh trung thu sẽ còn sức sống lâu dài trong đời sống người dân.

Có những loại bánh trung thu nào?

Hiện nay trên thị trường, chiếc bánh màu nâu đã được nướng lên, gọi là bánh nướng, chiếm gần như hầu hết sản lượng sản xuất ra. Bánh dẻo, loại vỏ trắng, chiếm một phần rất nhỏ. Dù vậy vẫn không thể thiếu bánh dẻo mỗi mùa trăng rằm.

Cách làm bánh nướng

Bánh thập cẩm truyền thống

Trong bánh nướng còn chia thành 2 loại nhân, đó là nhân đậu hoặc nhân thập cẩm. Chúng ta sẽ chuẩn bị phần vỏ cho 2 loại này giống nhau, chỉ thay đổi phần nhân bên trong. Sau đây là bánh trung thu nướng nhân thập cẩm (Nguồn: Hướng nghiệp Á-Âu)

1. Chuẩn bị làm vỏ bánh

Nguyên liệu gồm có: Nước đường bánh nướng: 300g, 50ml dầu ăn, ¼ thìa Baking soda, 1 thìa tước tro tàu, 350g bột mì.

Làm vỏ bánh: Lấy ½ lượng bột mì cho vào một cái bát lớn, cho nước đường, dầu ăn, nước tro tàu, baking soda vào trộn đều. Trộn đến khi thấy bột trở thành khối dẻo quánh thì từ từ cho số bột mì còn lại vào trộn tiếp. Nhồi bột thành khối dẻo mịn. Sau khi nhồi xong, dùng màng bọc thực phẩm bọc tô bột lại để ủ khoảng 1 tiếng.

2. Chuẩn bị làm nhân bánh

Nguyên liệu gồm có: 150g thịt gà xé nhỏ, 150g hạt điều rang chín, 150 mè trắng rang, 150g hạt dưa rang chín, 150g mứt sen, 150g mứt bí, 150g lạp xưởng hấp chín, 100g mỡ đường, lá chanh cắt chỉ, ¼ thìa ngũ vị hương, 150g dầu mè, 30ml rượu mai quế lộ, 15g xì dầu, 150g bột bánh dẻo, 75g siro ngô, 75g nước lọc.

3. Làm nhân bánh

Riêng cách làm mỡ đường: Mỡ gáy rửa thật sạch khoảng 2 – 3 lần, cắt miếng vừa rồi trần qua nước sôi, rửa sạch lại. Gừng tươi rửa sạch, giã nhỏ. Quế, hồi, thảo quả rang qua cho thơm hoặc có thể nướng sơ, sau đó cho thêm nước và đun sôi. Tiếp tục cho mỡ vào luộc, thêm gừng và rượu trắng đến khi sôi khoảng 3 phút thì tắt bếp. Vớt mỡ ra, hong quạt khô cho mỡ se lại. Mỡ nguội hẳn thì thái hạt lựu nhỏ, đều khoảng 5mm rồi ướp với 400 – 500g đường kính trắng. Để mỡ đường ở nhiệt độ phòng khoảng 10 tiếng rồi phơi nhẹ 2 nắng đến khi mỡ trong lại.

Cho hỗn hợp ở phần nhân bên trên vào tô lớn, trộn đều. Chuẩn bị 1 tô khác, bạn cho dầu mè, rượu mai quế lộ, xì dầu, siro ngô, nước lọc vào và trộn đều. Tiếp đó từ từ cho bột bánh dẻo vào phần nhân khô, sau đó cho hỗn hợp dầu rượu siro vào trộn đều với nhân khô. Tùy theo độ khô, ướt của nhân mà bạn cho thêm bột nhé.

4. Đóng bánh

Để đóng bánh bạn cần chia các phần nhân và vỏ bánh ra các phần đều nhau, vê tròn thành từng viên tròn theo tỉ lệ nhân bánh và vỏ bánh là 2:1. Cán dẹt phần bột, cho viên nhân bánh vào giữa, bọc kín và vê tròn lại.

Lấy bột khô thoa đều vào khuôn bánh để chống dính trước khi đóng bánh. Sau đó cho bánh vào, dùng mu bàn tay ấn chặt bánh vào khuôn, dùng ngón tay ấn kín mép bánh.

Nếu dùng khuôn gỗ, bạn dùng lực gõ khuôn xuống bàn để bánh dễ tuột ra. Nếu dùng khuôn lò xo, bạn ấn mạnh tay để bánh được lên hình đẹp. Đặt bánh lên khay đã lót sẵn giấy nến.

5. Nướng bánh

Bật lò nướng ở nhiệt độ 220oC trước 10 phút để lò đạt nhiệt độ lý tưởng, giúp bánh nướng được màu đẹp.

Đặt khay bánh vào lò nướng, nướng khoảng 5 phút thì lấy khay bánh ra, xịt nhẹ nước cho bánh nguội, Đợi mặt bánh khô thì dùng cọ phết một lớp mỏng hỗn hợp trứng lên mặt bánh rồi cho bánh vào nướng tiếp khoảng 5 – 7 phút, tiếp tục lấy ra xịt nước và quét thêm 1 lớp hỗn hợp trứng lên bánh lần nữa rồi cho vào lò, nướng đến khi bánh vàng mặt là được.

Giai đoạn nướng bánh quyết định màu bánh có đẹp và hấp dẫn hay không. Bánh phải ngả sang màu nâu nhưng không được quá sậm cháy. Vậy là bạn đã hoàn thành xong các công đoạn để làm bánh trung thu nhân thập cẩm gà quay hấp dẫn rồi đấy.

Cách làm bánh dẻo nhân đậu xanh truyền thống

Bánh dẻo nhân đậu xanh truyền thống

1. Chuẩn bị vỏ bánh

Nguyên liệu cần có: Đường cát: 100 gram, nước cốt chanh: 2ml, nước 100ml, bột nếp: 100 gram, nước đường: 50 gram, bột áo: 10 gram, nước hoa bưởi: 8ml, dầu ăn: 20ml

Nấu nước đường: cho đường cát và nước nào nồi, đun ở lửa vừa cho nước đường tan hết. Có thể cầm thành nồi, lắc nhẹ để đường tan nhưng không được khuấy trong suốt quá trình nấu nước đường làm vỏ bánh dẻo. Đến khi đường tan đều, bạn cho nước cốt chanh vào, hạ lửa ở mức nhỏ nhất và nấu thêm 3 – 4 phút thì tắt bếp và cho ra tô lớn, để nguội.

Làm vỏ bánh: chuẩn bị một tô lớn, cho nước đường làm vỏ bánh vào. Tiếp đến, bạn cho từng muỗng bột nếp vào tô nước đường, thêm dầu ăn và nước hoa bưởi vào rồi khuấy đến khi bột tan hết. Sau đó, đổ bột ra mặt phẳng sạch, rắc thêm bột áo và dùng tay gấp bột, đến khi cảm nhận bột có độ dai vừa đủ và không còn dính găng tay là được. Bọc kín và để bột nghỉ ngơi trong từ 30 – 40 phút trước khi tạo hình cho bánh.

2. Chuẩn bị nhân bánh

Nguyên liệu cần có: đậu xanh khô đã tách vỏ: 200 gram, đường: 100 gram, dầu ăn: 20ml, một ít muối

Đậu xanh ngâm nước ấm từ 2 – 3 giờ cho nở, rửa sạch lại với nước và loại bỏ các hạt đậu bị hư, mốc,… Cho đậu vào nồi, đổ nước vừa đủ, thêm một chút muối để cân bằng vị rồi nấu đến khi chín mềm.Khi đậu xanh đã chín, bạn để nguội rồi xay cùng đường. Sau đó, lọc qua rây cho thật nhuyễn mịn.

Bước tiếp theo, bạn cho đậu đã được lọc mịn vào chảo chống dính có đế dày, sên trên lửa nhỏ. Trong lúc sên đậu, hãy đảo đều tay để không bị cháy và dính đáy nồi. đến khi đậu hơi đặc lại thì bạn cho từ từ dầu ăn vào chảo, tiếp tục khuấy để hỗn hợp này hòa quyện vào nhau. Tiếp tục sên đến khi nhân ráo dầu, sờ vào cảm giác không dính tay, không bị chảy nữa là được. Bạn tắt bếp, cho đậu ra ngoài và để nguội. Khi đậu đã nguội hoàn toàn, bạn nhào vài lần cho mềm rồi chia ra thành từng viên nặng khoảng 25 – 30 gram tùy theo sở thích ăn nhân nhiều hay ít.

3. Tạo hình và hoàn thiện bánh

Bạn lấy 20 gram vỏ bánh vo thành viên tròn, cán dẹt rồi cho nhân đậu vào bọc kín và vo tròn, không cho không khí lọt vào nhân.

Bạn rưới bột áo vào khuôn bánh, gõ nhẹ để bột phủ kín khắp thành khuôn. Vì bánh rất mềm nên không cần dùng nhiều sức, bạn chỉ cần ấn nhẹ và giữ khoảng 3 giây để tạo nét cho bánh là được. Bạn cũng có thể sử dụng khuôn gỗ để đóng bánh, thực hiện tương tự như hướng dẫn. Sau đó, bạn dùng một chiếc cọ lông mềm để phủi bớt bột thừa trên bánh dẻo và đặt bánh lên đĩa.

Bánh thành phẩm với lớp vỏ dẻo mịn, thơm dịu hương bưởi đặc trưng. Trên từng chiếc bánh hiện rõ những hoa văn chìm nổi của khuôn, không bị mờ hay mất nét. Nhân đậu xanh sên nhuyễn có độ ngọt vừa phải, sánh mịn và béo bùi, ngon khó cưỡng.

Chúc quý khách của Rượu SG sẽ làm được những mẻ bánh trung thu thật ngon. Chúc tất cả các gia đình sẽ có một mùa Tết Đoàn Viên ý nghĩa và hạnh phúc bên nhau.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *